TTO - Các đơn vị đồng hành cùng Chợ phiên không tiền mặt cho biết bất ngờ trước mức độ sử dụng thanh toán không tiền mặt của công nhân.
Khách hàng đến gian hàng Sacombank trải nghiệm dịch vụ thanh toán Tap2phone mới lạ, tiện dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều đơn vị đã tư vấn và mở tài khoản mới cho công nhân vượt dự kiến.
Muốn phổ biến rộng rãi các phương thức thanh toán không tiền mặt, chúng ta không chỉ cần những hoạt động tuyên truyền nghe, nhìn mà còn cần cả những hoạt động thực tiễn, nơi người dân có thể tận tay trải nghiệm, tận tay thấy tiện ích như thế nào. Phiên chợ ngày hôm nay hội tụ cả hai điểm ấy, rất cần thiết và thực tế.
Đại diện Sacombank
Nhiều công nghệthanh toán mới
Trong chợ phiên, rất nhiều khách hàng đến gian hàng của Sacombank đã được trải nghiệm gần như toàn bộ những công nghệ thanh toán mới nhất như thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động (NFC), thanh toán Tap to phone, Contactless, thanh toán QR, thanh toán bảo hiểm trên ứng dụng Sacombank Pay...
Tương tự, đại diện ví điện tử MoMo cũng cho biết không khỏi ngạc nhiên bởi phần lớn trong số khách đến trải nghiệm là công nhân, người lao động đã sử dụng các phương thức thanh toán như ví điện tử MoMo từ lâu nhưng chưa có ý thức rằng họ đang góp phần thúc đẩy một xã hội không tiền mặt.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví MoMo, cho biết thêm: "Trong suốt 3 năm qua, Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức là chương trình ý nghĩa và thiết thực, đã khuyến khích người dân chi tiêu, thanh toán không tiền mặt, hướng đến xã hội văn minh, hiện đại. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao khi năm nay chương trình chú trọng và quan tâm đến đối tượng người lao động thu nhập trung bình, công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất".
Đại diện VNPT Money cho rằng sự kiện đã tái hiện được hình ảnh quen thuộc của chợ phiên nhưng với một tinh thần rất mới. "Các công nghệ thanh toán không tiền mặt mới nhất được VNPT Money cũng như các đơn vị khác mang đến đây và truyền tải, giới thiệu tới khách hàng thông qua những tương tác thú vị, gần gũi, khiến mọi người đều hào hứng tham gia.
Với hành trình đồng hành cùng Ngày không tiền mặt 2022, VNPT Money mong muốn góp phần lan tỏa tinh thần và thông điệp "Tiện ích trong tầm tay" của thanh toán không tiền mặt đến với từng người dân, thúc đẩy sự quan tâm và từ đó thay đổi thói quen của cộng đồng để hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt thật sự thân thiện với mọi đối tượng, mọi vùng miền trên cả nước", đại diện VNPT Money chia sẻ.
Vượt chỉ tiêu
Theo đại diện Napas, trong ngày 12-6 đã tư vấn các hình thức thanh toán không tiền mặt và tặng quà cho hơn 300 khách hàng và liên kết với Saigon Co.op gửi tặng hàng trăm phần quà cho khách hàng khi mua sắm tại gian hàng của siêu thị này.
Bà Nguyễn Thị Nhã Quyên, đại diện gian hàng HD Bank, cho biết đã có hơn 300 tài khoản được đơn vị mở miễn phí cho khách và hàng trăm lượt khách hàng khác nhận quà, trải nghiệm các hoạt động thanh toán không tiền mặt tại gian hàng, vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng SHB cho biết càng về chiều thì số lượng khách hàng tham gia mở tài khoản online càng nhiều. Theo đó, tính đến 15h ngày 12-6, gian hàng đã mở mới miễn phí được hơn 120 tài khoản online cho khách và đón tiếp, tư vấn cho hàng trăm lượt khách, vượt chỉ tiêu đề ra.
"Rất bất ngờ khi số lượng khách hàng tham gia đông đảo. Trong đó, công nhân và sinh viên là hai lực lượng đăng ký mở tài khoản online nhiều nhất", vị này thông tin.
Tương tự, với hơn 200 khách hàng được mở tài khoản online và hàng trăm khách hàng được tặng tài khoản số đẹp, quà và card điện thoại... đại diện gian hàng MB Bank cho biết số lượng khách hàng đến với đơn vị đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Đại diện gian hàng Zalo Pay thông tin đã hỗ trợ liên kết mới cho hơn 200 khách hàng trong ngày 12-6 và tư vấn cho hàng trăm lượt khách khác.
"Rất nhiều công nhân, sinh viên tại chợ phiên quan tâm đến dịch vụ của đơn vị, điều đó thể hiện ngày càng nhiều người dân có xu hướng không dùng tiền mặt, kể cả những người lao động chân tay", đại diện đơn vị này nhận định.
Không tiền mặt là xu thế bắt buộc
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng các giải pháp không dùng tiền mặt là giải pháp quan trọng cần thiết, xu thế bắt buộc của thế giới.
"Đội ngũ tiên phong triển khai chương trình này đóng vai trò quan trọng, giúp chúng ta có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển hình thức thanh toán này. Mỗi lần báo Tuổi Trẻ triển khai là chúng ta có những bước phát triển về thanh toán không tiền mặt, với nỗ lực này thì mục tiêu phát triển phương thức thanh toán tối ưu này sẽ sớm thực hiện được", ông Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ tại chương trình, ông Trần Xuân Toàn, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết chợ phiên là một trong các nội dung nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày không tiền mặt 2022 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị khác tổ chức. Chương trình với mục tiêu chính giúp cho công nhân có cơ hội tham gia vào phương thức thanh toán không tiền mặt với nhiều ưu đãi, tiện lợi.
N.TRÍNgày 10-7: Chợ phiên không tiền mặt tiếp tục đến Khu chế xuất Tân Thuận
Chuỗi chương trình Ngày không tiền mặt là sự kiện thường niên, do Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ tổ chức từ năm 2019. Chương trình năm nay có nhiều hoạt động như chuyến xe xuyên quốc gia, hội thảo cấp quốc gia tại Hà Nội, "Cuộc thi Dance Cover" và "Thử thách không tiền mặt" trên website của chương trình (https://ngaykhongtienmat.tuoitre.vn).
Đặc biệt sau Chợ phiên không tiền mặt tại Khu chế xuất Linh Trung 1 ngày 12-6, chợ phiên thứ hai sẽ được tổ chức ngày 10-7 tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM).
Công nhân tranh thủ mua dầu ăn, nước mắm... giảm giá tại Chợ phiên không tiền mặt
TTO - Theo ghi nhận, từ sáng đến chiều muộn, nhiều gian hàng của Chợ phiên không tiền mặt tổ chức ngày 12-6 tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức) vẫn thường xuyên thu hút khách, đặc biệt gian hàng bày bán nước mắm, dầu ăn... giảm giá.
N.TRÍ - Đ.THIỆN - N.HIỂN