Các 'vua' nông sản nhắn gửi bộ trưởng Bộ NN&PTNT

25/10/2021 08:18
TTO - Việc phục hồi kinh tế đang được khởi động ở khắp nơi, nhưng nhiều mắt xích trong chuỗi kinh tế nông nghiệp Việt Nam còn khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề.

TTO - Việc phục hồi kinh tế đang được khởi động ở khắp nơi, nhưng nhiều mắt xích trong chuỗi kinh tế nông nghiệp Việt Nam còn khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề.

Các 'vua' nông sản nhắn gửi bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực để đảm bảo sản xuất trước rất nhiều khó khăn. Trong ảnh: sơ chế chuối xuất khẩu ở Công ty TNHH Huy Long An - Ảnh: SƠN LÂM

Những chủ doanh nghiệp quy mô, sức ảnh hưởng hàng đầu ở một số ngành hàng bày tỏ nhiều trăn trở.

Gặp lại những ngày này, nét căng thẳng trên khuôn mặt ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sao Ta - đã giãn ra nhiều. Ông Võ Quan Huy - giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - cũng cho hay đã nhận được các hỗ trợ của Chính phủ như giảm giá điện 10%, giảm thuế, phí...

Lo mất bình ổn vật tư nông nghiệp

Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát thì cả những "vua nông sản" như ông Lực, ông Huy phải tiếp tục mang nhiều nỗi lo mới. Trước mắt là chuyện giá vật tư đang tiếp tục leo thang.

"Người nuôi tôm đang phập phồng lo âu giá tôm bấp bênh sau đại dịch thì giá cả vật tư đầu vào như thức ăn, con giống, chế phẩm nuôi tôm... tăng giá ào ào như những cú đấm bồi" - ông Lực nói.

Còn ông Huy thì lo lắng: "Cái ống nước cũng nhân dịp dịch mà tăng giá. Những chi phí như xét nghiệm COVID-19, 3 tại chỗ... đã muốn hạ gục các doanh nghiệp nông sản rồi, giá vật tư nông nghiệp khác cũng cứ leo lên như vậy, nền nông nghiệp sẽ rất khó để tái đầu tư nhanh".

Ông Võ Quan Huy nêu thực tế nông dân thường có 2 nguồn vốn: vay ngân hàng, vốn ứng trước từ đại lý vật tư. Sau mùa dịch, đa số người dân vẫn còn "mắc kẹt" vốn thế chấp trong ngân hàng. Dịch cũng khiến đứt gãy việc huy động vốn của nông dân muốn tái đầu tư với các đại lý.

Nhưng đây cũng là cơ hội để có thể triển khai hỗ trợ nguồn vốn theo một cách mới cho nông dân, ví dụ như ngân hàng thay vì cho người dân vay bằng tiền thì có thể đứng ra cam kết với các đại lý, chuyển tiền cho đại lý để đại lý cung ứng vật tư cho nông dân tái đầu tư và họ sẽ hoàn trả sau khi thu hoạch vụ mùa.

Nếu làm được điều này thì sẽ nhanh chóng thúc đẩy được việc phục hồi sản xuất trong tình trạng người dân đang khủng hoảng nguồn vốn sau dịch.

Kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống lúa ST25 nổi tiếng và hiện đang mở rộng phối hợp với nhiều vùng trồng nhân rộng giống lúa này - cũng đồng tình với những lo lắng của ông Lực, ông Huy.

Không chỉ có các loại phân bón leo thang, giá đầu vào như chi phí thuê làm đất, bón phân, thuê nhân công... cũng tăng theo.Trong khi đó, giá lúa lại giậm chân tại chỗ, chưa nói còn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do khâu vận chuyển khó khăn. Chưa ai nghĩ đến kịch bản giá lúa sắp tới sáng sủa hơn do còn bí đầu ra.

"Cần có chính sách hỗ trợ nông dân, khai thông xuất khẩu, nhất là kiểm soát đầu vào, không để tư thương các lĩnh vực vật tư thao túng cả nền nông nghiệp như vậy được" - ông Cua đề nghị.

Tâm tư gửi đếnbộ trưởng Bộ NN&PTNT

Nếu được kiến nghị với bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Hồ Quốc Lực cho biết đơn cử về ngành tôm, ông đề nghị phải nhanh chóng hơn nữa đẩy mạnh việc tiếp cận vắc xin cho tất cả các mắt xích trong chuỗi sản xuất tôm, xem xét các bên liên quan về giá vật tư đầu vào nuôi tôm.

Đặc biệt, tôm muốn thuận lợi tiêu thụ thì phải có truy xuất rõ ràng. Việc đánh mã số ao nuôi trong ngành cá tra hiện nay đang khá tốt nhưng trong ngành tôm thì quá chậm.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho rằng trước mắt phải giải quyết sớm, hoàn toàn những khó khăn của ngành nông sản trong việc lưu thông hàng hóa. Thực tế, các khâu thu gom lúa và vận chuyển gạo tiêu thụ trong nước vẫn đang gặp nhiều trắc trở do COVID-19.

Lâu dài, phải quan tâm và dứt điểm ngay tình trạng giống dỏm, giống giả đang tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển các thương hiệu đặc trưng quốc gia.Bên cạnh đó, việc triển khai, phát triển lúa thơm thời gian qua còn chậm, chưa có sự đầu tư đồng bộ và chiến lược lâu dài, rất mong bộ trưởng Bộ NN&PTNT quan tâm hơn."Lót ổ cả chocác đàn chim sẻ"

Góp thêm ý kiến vào việc phải tạo ra những hợp tác xã "thực tế hơn là hình thức", ông Võ Quan Huy cho rằng Bộ NN&PTNT phải nhanh chóng tiến tới việc mở rộng, đào tạo nâng cao chất lượng, để hợp tác xã có vai trò quan trọng như khả năng tổ chức tốt vùng trồng, chứng nhận các tiêu chuẩn, huấn luyện đào tạo thành viên để truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ...

"Tôi rất tâm đắc bài chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc bên cạnh chú ý tới việc lót ổ đón đại bàng thì đừng quên những đàn chim sẻ. Nên rất muốn ngành nông nghiệp có phương án để thúc đẩy các địa phương chú trọng hơn đến sự phát triển của các đàn chim sẻ" - ông Huy nói.

Ông Huy nhấn mạnh thực tế hiện nay là nhiều nông trường đã không còn đảm bảo được chức năng ban đầu của nó, thậm chí đã giải thể. Nhưng người nông dân đã được giao khoán đất tại các nông trường này tiếp tục mắc kẹt trong hợp đồng trồng loại cây ban đầu, rất khó khăn trong việc chuyển đổi các mô hình sản xuất mới.

Còn các địa phương thì thường chỉ nhắm tới việc đưa các nông trường này làm mồi nhử đại bàng, muốn giao đất lại cho các tập đoàn lớn thuê để đầu tư.

Việc liên kết chính những người nông dân đang giữ đất nông trường để thực hiện các dự án nông nghiệp lại không được quan tâm. Nên ông Huy đề nghị bộ trưởng Bộ NN&PTNT có hướng giải quyết sớm "như một hình thức lót ổ cho các đàn chim sẻ sinh sôi phát triển bền vững tại địa phương".

Ông Phan Minh Thông (tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh):

Đến lúc thay đổi chiến lược xuất khẩu

Khó khăn về dịch bệnh rồi sẽ qua và xuất khẩu sẽ quay trở lại như trước bởi chúng ta đã có thị trường, có khách hàng và có hàng hóa đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy nhiên, thời điểm này là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị nông sản.

Việt Nam đã từ lâu trở thành một cường quốc sản xuất nhiều sản phẩm nông sản hàng đầu thế giới như lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gia vị... Tuy nhiên, trong vài chục năm qua chúng ta vẫn tập trung vào việc tăng sản lượng trong nước để tăng xuất khẩu ra nước ngoài. Tăng trưởng về lượng như vậy càng ngày càng khó hơn do quỹ đất của Việt Nam có hạn, năng suất cũng có giới hạn.

Xuất khẩu dạng nguyên liệu thô rất khó tăng giá trị nhanh. Chỉ còn cách đầu tư vào chế biến sâu, chế biến hàng tiêu dùng từ các nguyên liệu mình đang có thành các sản phẩm tiêu thụ cuối cùng mới tăng cao giá trị nông sản. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng nông sản từ trang trại đến bàn ăn của khách hàng thế giới thực sự.

Khó nhưng Bộ NN&PTNT cần có những chiến lược và chính sách rõ ràng và nhất quán cho định hướng này để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá tiêu thụ sản phẩm.T.Mạnh

Xem xét có chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân

Đứng ở góc độ chính quyền, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nông dân. Không chỉ tiêu thụ nông sản khó khăn, chi phí đầu vào tăng mạnh khiến đời sống, thu nhập của nông dân giảm mạnh.

Dù luôn cố gắng liên kết tìm các đầu mối tiêu thụ, đưa giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con nhưng ở góc độ địa phương, những nỗ lực, tiếp sức này vẫn chưa đủ. Ông Lâu đề nghị cần nhanh chóng khai thông xuất khẩu, can thiệp chi phí thuê container... Đặc biệt xem xét có chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân.

Doanh nghiệp thì có rồi, còn nông dân bị ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa. Có gói hỗ trợ tín dụng, nông dân sẽ đỡ khổ, còn sức lực, niềm tin để gượng dậy, tái đầu tư, tạo ra sản phẩm cho xã hội.

EU thu hồi hoặc cảnh báo nhiều sản phẩm nông sản và thủy sản Việt Nam

TTO - Nhiều sản phẩm nông sản và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định vừa bị Liên minh châu Âu (EU) thu hồi hoặc cảnh báo.

SƠN LÂM - KHẮC TÂM

Theo Nguồn tuoitre.vn

Các 'vua' nông sản nhắn gửi bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Tiêu Dùng