Giảm thiểu rác thải nhựa cần sự chung tay của gia đình và cộng đồng

12/10/2023 10:03

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Giải pháp phân loại trác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII, Viện trưởng viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, rác thải nhựa đang trở thành thách thức toàn cầu, đe dọa tới nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người.

Thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Trong đó có hơn 30 tỉ túi ni lông, hơn 80% số túi ni lông đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Tuy nhiên, việc phân loại, xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam còn mang nhiều bất cập, hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Thực trạng trên yêu cầu mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng cùng chung tay hành động giảm thiểu rác thải nhựa và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người.

Giảm thiểu rác thải nhựa cần sự chung tay của gia đình và cộng đồng

Toàn thể cộng đồng cùng chung tay hành động giảm thiểu rác thải nhựa (Ảnh minh họa)

“Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Cụ thể, vị chuyên gia cũng cho rằng, thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng đồ nhựa đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa giúp thỏa sức sáng tạo.

Lấy ví dụ, PGS. TS Bùi Thị An chỉ ra, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát,… Tuy nhiên, cần lưu ý vỏ chai của các loại thuốc tẩy, chai đựng hóa chất,… thì tuyệt đối không nên tái sử dụng.

Hay việc tận dụng, tái chế chai nhựa thành đồ dùng học tập là một trong những cách hiệu quả nhất để giáo dục bảo vệ môi trường từ các cấp bậc học. Việc tái chế chai nhựa thành đồ dùng mang lại nhiều hiệu quả hữu ích như trang trí làm đẹp phòng học, tăng khả năng nhận thức và sáng tạo, thiết kế được nhiều vật dụng hỗ trợ trong học tập…

“Điều này sẽ giảm thiểu việc thải rác nhựa ra môi trường mà còn giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em, học sinh. Đồng thời, cũng giảm bớt thời gian dùng điện thoại, ti vi của trẻ nhỏ.

Do đó tôi khuyến khích việc này là rất tốt, cần nhân rộng trong gia đình và ngoài xã hội như trường học, nhà văn hóa,…”, PGS. TS Bùi Thị An nói.

Giảm thiểu rác thải nhựa cần sự chung tay của gia đình và cộng đồng

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em, học sinh (Ảnh minh họa)

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, để giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và hạt vi nhựa nói riêng ra biển, cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội và các bộ ngành liên quan và cả người dân.

Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa. Tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chủ chốt về lĩnh vực ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

Tăng cường tuyên truyền, giám sát và phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ gây hại tổn thương đến môi trường biển và hải đảo. Tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề bảo tồn, giám sát biển và rác thải nhựa ở biển.

-->> Phân loại rác thải nhựa tại nhà: Ý thức đặt ở đôi bàn tayThúy Ngà

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Giảm thiểu rác thải nhựa cần sự chung tay của gia đình và cộng đồng - Đời Sống