Người kết nối những gia đình Việt ở hai bờ đại dương

02/07/2022 18:49
TP HCM - Ba năm trước, khi giúp cô gái Việt ở Pháp tìm lại mẹ đẻ, Hồng Phúc không nghĩ sẽ trở thành cầu nối, giúp thân nhân của những gia đình ly tán tìm lại nhau.

Chiều cuối tháng 6, hết giờ làm, Đỗ Hồng Phúc, 27 tuổi, không về nhà ngay mà chạy xe một mạch từ Gò Vấp đến quận Bình Thạnh. Hôm nay anh nhận giúp một cô gái ở Pháp tìm thông tin về người mẹ thất lạc hơn 20 năm trước, theo địa chỉ họ cung cấp.

So với các vụ trước chỉ có tên bố, mẹ hoặc khu vực từng sống, lần này Phúc tim là mình sẽ sớm thành công bởi thông tin ghi trên sổ hộ khẩu mà cô gái đưa cho anh, rất chi tiết.

Nhưng anh đã nhầm. Tại địa chỉ này, không một ai biết những người có tên trong cuốn sổ hộ khẩu là ai bởi họ đã bán nhà chuyển đi nơi khác từ lâu. Việc tìm kiếm bỗng nhiên bế tắc. "Đây là vụ thứ hai trong tháng 6, tôi mất dấu giữa chừng. Nhưng nếu họ còn ở Sài Gòn, tôi chắc chắn tìm ra", anh khẳng định.

Ba năm qua, anh kiến trúc sư 27 tuổi này gặp không ít lần bế tắc như vậy. Phúc nói, anh chưa bao giờ bỏ cuộc bởi mỗi lần giúp được người Việt ở nước ngoài tìm lại được bố mẹ, ruột thịt ở trong nước "niềm vui ấy không có gì mua nổi".

Trường hợp đầu tiên anh giúp là một cô gốc Việt tại Pháp tìm mẹ ruột ở TP HCM, khi người này chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, năm 2019. "Tôi thật lòng muốn mẹ con họ được đoàn tụ nên chủ động liên hệ, xin hỗ trợ", Phúc kể.

Sau vài ngày dò hỏi, lần theo thông tin được gia đình ở Pháp cung cấp, anh tìm thấy người mẹ. Giây phút kết nối điện thoại để hai mẹ con lần đầu gặp mặt sau nhiều năm xa cách, Phúc biết việc đang làm là có một ý nghĩa lớn lao.

Người kết nối những gia đình Việt ở hai bờ đại dương

Anh Hồng Phúc chụp ảnh cùng người nhà của gia đình có con gái bị thất lạc 24 năm trước, nay được đoàn tụ, hôm 27/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau lần đó, anh chia sẻ nguyện vọng giúp các gia đình đoàn tụ lên trang cá nhân, nhiều người Việt ở Pháp, Mỹ... chủ động liên lạc nhờ giúp đỡ. "Đa phần những người này sang nước ngoài làm con nuôi từ những năm 1990 vì nhiều lý do, khi trưởng thành lại khao khát tìm về cội nguồn", anh nói. Những trường hợp tìm kiếm rất đa dạng, có người còn giữ địa chỉ cụ thể, thông tin của bố mẹ, nhưng nhiều trường hợp chỉ biết quận, huyện hoặc trại trẻ mồ côi từng sống, rất khó tìm.

Trung bình mỗi tháng anh nhận 2-3 yêu cầu giúp đỡ, tùy mức độ khó dễ, mỗi vụ mất vài tiếng đến vài tuần thực hiện, nhưng ưu tiên các trường hợp khả thi, rõ địa chỉ. Phúc thường dành khoảng thời gian cuối ngày sau giờ làm và cuối tuần để đi tìm kiếm, không ảnh hưởng đến công việc. Đồng hành cùng Phúc có vài người bạn, giúp anh tìm kiếm và làm thông dịch viên.

Không chỉ tìm kiếm những gia đình thất lạc con ở Sài Gòn, anh còn nhiều lần chạy xe xuống Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và một số tỉnh miền Tây để dò hỏi tin tức. Phúc kể, buồn nhất là có những lần dù phải đi xa nhưng thông tin không chính xác, buộc phải ngưng tìm kiếm. "Nhưng chưa lần nào tôi chán nản, có ý định từ bỏ công việc này. Còn sức, còn lời đề nghị, tôi còn làm", anh nói.

Nhắc về cuộc hội ngộ nhanh nhất, anh kể về trường hợp của Lisa (tên trên giấy khai sinh là Ngọc Lan), được nhận làm con nuôi ở Pháp năm 1998. Tháng 2/2021, cô chủ động liên lạc mong anh tìm giúp cha mẹ ruột ở TP HCM. Dựa trên thông tin được cung cấp, anh tìm đến địa chỉ nhà bà ngoại Lisa ghi trên giấy tờ, nhưng họ đã rời đi. May mắn được hàng xóm ở nơi ở cũ chỉ, anh kiến trúc sư tìm được người mẹ sau 7 tiếng.

"Bất đồng ngôn ngữ, nhưng cảm giác hạnh phúc là điều tôi thấy rõ trên gương mặt của người trong cuộc, sau 24 năm xa cách", anh nói.

Nhưng cũng có những cuộc đoàn tụ khiến anh luyến tiếc. Phúc nhớ về lời đề nghị tìm bố mẹ ở TP HCM của một cô gái sống tại Pháp, tháng 4 năm ngoái. Năm 2018, người này từng về Việt Nam tìm gia đình nhưng không có kết quả. Được bạn bè giới thiệu, cô nhờ Phúc hỗ trợ. "Không khó để tôi tìm và giúp gia đình họ đoàn tụ. Nhưng người mẹ đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông năm 2016. Giá như họ có thể tìm và gặp nhau sớm hơn", anh trầm tư. "Không được gặp mẹ nhưng tôi rất vui vì tìm thấy gia đình", cô gái nói với ân nhân.

Sau ba năm, Hồng Phúc kết nối thành công cho 20 gia đình. Một số lời đề nghị tìm người từ năm 1975 gửi đến, nhưng anh nói khó vì địa chỉ không rõ ràng, người biết và liên quan đều chuyển nơi ở hoặc đã mất. "Tôi không tiếc công, ngại khổ, chỉ sợ không đủ khả năng để tìm và báo tin mừng cho những người con xa xứ", Phúc nói.

Là một trong số 20 gia đình may mắn được Phúc giúp đoàn tụ với con trai ở Pháp, bà Phạm Thị Ngọc Huệ, 54 tuổi, ở ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, Long An không thể quên ngày đầu tháng 3/2021 khi chàng trai lạ mặt tìm đến nhà, hỏi về người con trai thất lạc năm 1996. "Ban đầu tôi không tin, sợ là người xấu đến lừa gạt. Nhưng khi cậu ấy đưa hình ảnh con trai còn bé, sau cho xem thông tin cá nhân, tôi sững người. Cảm giác tội lỗi để mất con khi vừa lọt lòng phần nào nguôi ngoai", bà Huệ nói.

Sau đoàn tụ, người phụ nữ 54 tuổi và con trai vẫn giữ liên lạc, nhưng chưa gặp mặt trực tiếp vì dịch bệnh. "Nhờ cậu Phúc, mẹ con tôi mới có cơ hội nhận nhau", bà Huệ nghẹn lời.

Ông Phạm Văn Được, 53 tuổi, trưởng Ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, cho biết đây là lần đầu thấy một người không quen biết, từ địa phương khác chủ động giúp các gia đình trong ấp tìm con thất lạc. "Bạn ấy còn trẻ nhưng rất nhiệt tình, làm việc bằng cái tâm. Sau khi liên hệ, đã tích cực phối hợp cùng chúng tôi tìm được nhà bà Huệ, còn nếu là người khác chắc từ bỏ rồi", ông Được nói.

Người kết nối những gia đình Việt ở hai bờ đại dương

Hồng Phúc (thứ hai trái sang) chụp ảnh cùng ông Được (áo trắng) và bà Huệ (thứ hai bên phải), trong lần giúp gia đình tại Long An đoàn tụ với con trai ở bên Pháp, tháng 3/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài lời tán dương, không ít người cho rằng Phúc khùng điên, thích làm chuyện bao đồng, số khác cho rằng anh nhận nhiều tiền cảm ơn mới nhiệt tình giúp đỡ. "Nhưng tôi không nhận tiền hay quà cảm ơn của bất kỳ ai. Điều duy nhất tôi nhận là niềm vui, hạnh phúc khi chứng kiến sợi dây tình thân được kết nối sau nhiều năm xa cách", Phúc khẳng định.

Song hành cùng công việc giúp các gia đình đoàn tụ, Hồng Phúc hy vọng thời gian tới sẽ nhận thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, trong việc tìm kiếm thông tin của các gia đình.

"Nhiều hồ sơ gửi về có cả chứng minh thư của bố, mẹ, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của người thất lạc, nhưng tôi không thể tìm vì họ chuyển nơi ở. Nhưng nếu nhận được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng việc tìm địa chỉ sẽ dễ hơn. Chỉ cần có thông tin chuẩn, tôi sẽ tự đi tìm, mong nhiều gia đình được đoàn tụ", Phúc tâm sự.

Quỳnh Nguyễn

Theo vnexpress.net

Người kết nối những gia đình Việt ở hai bờ đại dương - Đời Sống