Covid-19 ảnh hưởng tới sức khỏe của người cao tuổi thông qua các tác động trực tiếp về mặt sinh học và gián tiếp tới tâm lý. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các đối tượng trên 60 tuổi, đặc biệt là những người có bệnh lý nền liên quan đến tim, phổi, tiểu đường, ung thư có nhiều nguy cơ mắc Covid-19 ở mức độ nặng.
Sau khi mắc Covid-19, người bệnh có thể phải đối mặt với các triệu chứng Covid-19 kéo dài. Trong đó, mê sảng là một trong những triệu chứng Covid-19 kéo dài liên quan đến thần kinh có ảnh hưởng đến người lớn tuổi.
Người cao tuổi phải đối mặt với một số triệu chứng như mê sảng, rối loạn nhận thức, chóng mặt... Ảnh:Freepik
Mê sảng là một trạng thái lú lẫn cấp tính, đặc trưng bởi mức độ ý thức bị thay đổi, mất phương hướng, mất tập trung và các rối loạn nhận thức khác, thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Mê sảng thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi tại khoa cấp cứu (ED). Triệu chứng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân Covid-19 nặng và nghiêm trọng và khó được phát hiện.
Trước đó, theo một nghiên cứu thuần tập vào năm 2020 trên 817 bệnh nhân lớn tuổi (từ 65 tuổi) tại khoa cấp cứu (ED) mắc Covid-19, 28% bị mê sảng. Đồng thời, mê sảng là triệu chứng phổ biến thứ sáu trong số tất cả các triệu chứng và dấu hiệu biểu hiện.
Bên cạnh triệu chứng mê sảng, sau khi khỏi Covid-19, nhiều bệnh nhân cao tuổi còn gặp phải các rối loạn thần kinh dai dẳng như mệt mỏi thiếu máu, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, trầm cảm và rối loạn chức năng nhận thức gồm khó tập trung , giải quyết vấn đề và lập kế hoạch không gian. Mức độ rối loạn chức năng nhận thức tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy hô hấp, mặc dù suy giảm nhận thức cũng có thể được quan sát thấy ở những bệnh nhân không nhập viện.
Ngoài ra, một số người cũng đối mặt với tình trạng đau đầu, chóng mặt và tê bì chân tay. Với Covid-19 kéo dài, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi trong những hoạt động bình thường trước đây. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng hoạt động của họ.
Do đó, người cao tuổi nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế bị nhiễm bệnh. Khi có những dấu hiệu bất thường về bệnh lý, người cao tuổi nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, để giúp người cao tuổi được tham gia các hoạt động, số có mục đích và bớt cô đơn, hãy hướng dẫn họ tham gia các cuộc trò chuyện với gia đình, bạn bè bằng điện thoại thông minh.
Hồng Thảo (theo Times of India)