Vai trò người cha quan trọng thế nào?

02/10/2019 14:55
Từ toà án ly hôn bước ra, nhiều bà mẹ an ủi con: "Từ nay con sống với mẹ. Mẹ sẽ không để con thiếu một thứ gì". Người mẹ đó không ngờ rằng có những thứ chỉ có người cha mới cho nó được.

Từ toà án ly hôn bước ra, nhiều bà mẹ an ủi con: "Từ nay con sống với mẹ. Mẹ sẽ không để con thiếu một thứ gì". Người mẹ đó không ngờ rằng có những thứ chỉ có người cha mới cho nó được.

Vậy vai trò người cha trong việc giáo dục con quan trọng như thế nào và trong những gia đình không đầy đủ, người mẹ cần làm gì để bù vào chỗ thiếu hụt ấy?

Ảnh mang tính minh họa.

Nhìn lại lịch sử giáo dục hàng nghìn năm của nhân loại, nhiều hệ thống giáo dục khác nhau đã ra đời nhưng có một điều giống nhau là vai trò giáo dục chủ yếu luôn là đàn ông. Câu tục ngữ: "Con có cha như nhà nóc" đã thừa nhận điều đó. Thống kê của ngành giáo dục cũng cho thấy, hầu hết học sinh giỏi từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia thường có sự kèm cặp của người cha hoặc một người đàn ông nào đó như ông, chú, bác hay anh ngay từ lúc còn thơ bé.

Giải thích hiện tượng này, nhà giáo dục học nổi tiếng người Nga V. Vladislavski cho rằng: "Về bản chất, phụ nữ khó có thể đạt hiệu quả cao trong việc dạy con, bởi vì phụ nữ dễ xúc động, quá nhạy cảm và do quá yêu con nên thiếu nhất quán. Họ dễ mềm lòng trước sự nài nỉ của con". Những đặc điểm ấy có làm hình ảnh người mẹ xấu đi một chút nào không? Không hề. Trái lại người mẹ cần phải như thế. Người mẹ thai nghén, người mẹ nuôi dưỡng, người mẹ yêu thương, che chở nhưng người mẹ gặp nhiều khó khăn trong việc dạy con.

Không phải ngẫu nhiên tục ngữ có câu: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Hãy quan sát một bà mẹ chơi trò chơi xếp hình với con. Mẹ cứ chọn đưa cho con những hình phù hợp để nó xếp vào cho dễ. Nhưng nếu bố chơi cùng con lại khác. Bố đẩy các hình phù hợp ra xa và thích thú khi thấy con phải làm đi làm lại nhiều lần mới được. Bố dạy con tập đi xe đạp hay tập bơi cũng thế.

Đứa trẻ biết rằng bố có thể buông tay ra bất cứ lúc nào, vì thế nó phải "tự lực cánh sinh" nên chóng biết hơn. Trong khi mẹ chỉ sợ con ngã nên cứ hỗ trợ nó, thành thử cứ buông tay ra là hỏng. Có những đứa trẻ nói ngọng líu ngọng lường nhưng mẹ vẫn vui vẻ "phiên dịch" ra cho mọi người hiểu. Chỉ có bố bắt nó phải phát âm lại cho kỳ được mới thôi. Chính vì thế, bố có vẻ dạy con học nói ít hơn nhưng nhiều khi nó nói sõi được lại là nhờ bố chứ không phải nhờ mẹ.

Vai trò giáo dục của người cha đặc biệt quan trọng với đứa trẻ là con trai. Bản thân hình ảnh người cha đã cho nó biết thế nào là đàn ông, đàn ông phải làm gì, phải giúp đỡ phụ nữ như thế nào? Nếu ông bố tự hạ thấp vai trò đàn ông của mình, để hàng ngày con cái phải chứng kiến cảnh bố "đình công" nằm ườn trên giường. Đứa con trai sẽ bị mất tấm gương để noi theo và càng tệ hại hơn khi nó tự đi tìm hình mẫu đàn ông ở ngoài đường.

Đôi khi, vai trò ông bố đã trở thành một gánh quá nặng với những ông bố trẻ, khi họ còn bị cuốn hút vào bao nhiêu thú vui khác hấp dẫn hơn là việc chơi với con. Thêm vào đó, lúc nào bà cũng sẵn sàng: "Cứ để cháu đấy bà trông cho!". Chưa kể những gia đình chỉ đầy đủ về hình thức, khi bố nghiện ngập, cờ bạc, ma tuý, côn đồ thì còn tệ hại hơn là không có bố.

Thực tế cho thấy việc giáo dục một đứa trẻ rất công phu. Đáp ứng mọi yêu cầu của nó đã khó, nhưng nó dễ thành một đứa trẻ hư, nhõng nhẽo và vòi vĩnh, không biết thương ai cả.

Trái lại, nếu giáo dục con bằng phương pháp hà khắc, lạm dụng quyền uy và sức mạnh của người lớn bẻ gẫy tính cách của nó, chúng ta sẽ tạo ra một đứa bé "ngoan" theo kiểu bảo sao nghe vậy. Nó sẽ bị những đứa trẻ khác bắt nạt trong nhà trẻ, sau này ở nơi làm việc, ai cũng có thể khiến nó sợ hãi vâng lời. Khi đứa trẻ đến cái tuổi "một trăm cái tại sao?", thông thường con trai hỏi nhiều gấp đôi con gái.

Trước những câu hỏi đó nhiều khi mẹ chỉ trả lời qua quít cho xong chứ ít khi hào hứng giảng giải cho con đến nơi đến chốn. Một là họ không có thì giờ vì phải làm việc nội trợ, hai là có những câu trả lời không đơn giản như "Tại sao có bão?", "Tại sao điện giật?", "Có người ngoài hành tinh không?"... Theo thống kê, đàn ông dành thời gian tán gẫu, xem báo hay truyền hình gấp ba lần phụ nữ và ngược lại, phụ nữ mất thời gian vào công việc nội trợ gấp ba lần đàn ông. Nhưng trẻ con ít khi hỏi về việc nội trợ. Câu hỏi của nó đa số các bà mẹ không biết. Thí dụ đang xem bóng đá nó hỏi: "Thế nào là đá má ngoài". Chính vì thế, trẻ em không có bố thường ra khỏi nhà nhiều hơn. Có những trò chơi mà nó không thể chơi cùng với mẹ được.

Cho nên, có thể nói, thiếu vắng vai trò người cha trong gia đình là một thiệt thòi lớn cho đứa trẻ, nhất là với con trai. Nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều đó. Thống kê của ngành tòa án cũng cho thấy, số trẻ em hư, nhất là con trai, có một tỷ lệ khá lớn là những cháu lớn lên trong những gia đình không đầy đủ, chỉ có mẹ mà không có bố.

Trái lại, những gia đình đầy đủ nhưng người chồng đẩy hết việc dạy con cho vợ, chỉ lo kiếm tiền đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của con, thì con hư cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên không phải người cha nào cũng nhận rõ vai trò làm bố của mình. Có đàn ông đọc rất nhiều sách trừ sách dạy con, có lẽ vì anh ta nghĩ đó là việc đàn bà?

CHUYÊN GIA TÂM LÝ TRỊNH TRUNG HÒA (Kiến thức gia đình số 39)

VietBao.vn

 

Theo

Vai trò người cha quan trọng thế nào? - Tiêu Dùng